Mình không nhớ mình bắt đầu tìm hiểu về sách dinh dưỡng, sức khoẻ từ khi nào. Nhưng có lẽ nếu không áp dụng Eat clean và viết blog chia sẻ, chắc mình cũng không bao giờ “để ý” đến thể loại sách này. Nhưng bất ngờ là hiện tại mình lại đọc nhiều sách về sức khoẻ nhất bởi mình mong muốn được mở rộng kiến thức về dinh dưỡng, ăn uống lành mạnh để có thể chia sẻ một cách khách quan đến với nhiều người hơn. Đây là cuốn sách thứ 2 về sức khoẻ mà mình đọc có tên “Ăn uống chánh niệm – Phương pháp ăn uống của thiền sư Thích Nhất Hạnh”. Khi mới mua về, mình đã không khỏi ngạc nhiên về độ thẩm mỹ của sách: sách được bao bìa kiếng cẩn thận, in màu 100%, hình ảnh được vẽ bằng tay, chất lượng giấy…với mình là hoàn hảo. Nội dung sách hoàn toàn không nói về “một phương pháp ăn uống mới” nào đó, càng không phải cuốn sách dạy ăn kiêng, mà đơn giản chỉ cho người đọc cách lắng nghe nhu cầu của cơ thể, hiểu thêm về giá trị của thực phẩm. Sách như một cuốn cẩm nang về cách ăn uống lành mạnh và chỉ khoảng 160 trang nên sẽ rất phù hợp với những bạn mới bắt đầu tìm hiểu về sách sức khoẻ.
Như tên gọi của sách, tác giả viết về cách áp dụng ăn uống chánh niệm, nghĩa là ăn một cách có ý thức và kiểm soát. thực sự biết cách lắng nghe cơ thể mình. Nói điều này có vẻ lý thuyết quá nên trước hết bạn cần biết Chánh niệm là gì? Bạn có bao giờ vừa ăn vừa bấm điện thoại nhắn tin hay đang làm việc trước máy tính để rồi nhận ra không biết mình đã ăn bao nhiêu thứ rồi chưa. Hay bạn có bao giờ đang cầm trên tay một thứ gì đó nhưng lại loay hoay đi tìm chúng chưa? Các thói quen này mình nghĩ ai trong chúng ta cũng đã từng có ít nhất một lần trong đời (mình cũng không ngoại lệ). Trong cuốn sách tác giả định nghĩa Chánh niệm có thể hiểu đơn giản là “học cách giữ sự tập trung trong thời điểm hiện tại mà không phán xét”. Nó giống như việc bạn đi bạn biết bạn đang đi, bạn ăn bạn biết bạn đang ăn. Nghe thì có vẻ buồn cười, nhưng mình tin chắc không phải ai cũng làm được điều “chánh niệm” này (trong đó có mình). Cuốn sách nêu lên hiệu quả của việc chánh niệm “cho phép bạn sống có mục đích. Nó cũng cho bạn một cái nhìn sâu sắc hơn về thế giời đang diễn ra bên trong và bên ngoài cơ thể, cũng như cải thiện khả năng tập trung và tận hưởng hiện tại.”
Vậy chánh niệm và chuyện ăn uống có liên quan gì với nhau? Tác giả chỉ ra bằng cách áp dụng các nguyên tắc chánh niệm vào việc ăn uống, bạn có thể lựa chọn thực phẩm một cách đúng đắn hơn và có trách nhiệm với những gì bạn ăn. Việc thay đổi thói quen ăn uống không chỉ dừng lại ở việc giúp cải thiện vóc dáng mà còn nhiều điều khác nữa. “Khi bạn kiểm soát một khía cạnh nào đó trong cuộc sống chẳng hạn như việc ăn uống, thì nó cũng giống như việc thắp lên một ngọn lửa, và ngọn lửa này dần dần sẽ lan toả sang nhiều lĩnh vực khác trong cuộc sống của bạn.” Mình hoàn toàn đồng ý với quan điểm này của tác giả, kể từ khi mình áp dụng Eat clean, ăn uống có ý thức hơn, mình nhận ra việc kiểm soát bản thân cũng không có gì là quá khó nếu như mình chịu lưu tâm một chút. Thói quen này giúp mình có trách nhiệm hơn với cơ thể và rèn luyện ý chí của bản thân. Bạn biết đó con người chúng ta thường dễ bị cám dỗ bởi mọi thứ xung quanh: cơn lười của bản thân, lời rủ rê trà sữa, ăn vặt của đồng nghiệp, những buổi “party nhẹ” sau giờ tan sở… Ý mình ở đây không có nghĩa là bạn phải cắt hết các mối quan hệ bên ngoài cuộc sống chỉ để ăn uống healthy mà nghĩa là khi thực hiện một thói quen mới chúng ta thường có rất nhiều lý do để trì hoãn. Mình đã từng bỏ một khoản chi phí – số tiền không nhỏ đối với 1 sinh viên làm công việc bán thời gian lúc đó – để đi tập gym hết chỗ này chỗ khác nhưng rồi lại không có động lực để tiếp tục duy trì đều đặn. Tập được 2 buổi thì nghỉ cả tuần vì nuông chiều bản thân, vì ngại những ngày trời mưa trời nắng 🙂
Tuy nhiên, 2 năm trước khi đã xác được mục đích và hiểu cách tâm trí mình hoạt động, mình đã áp dụng thói quen sống “healthy” thành công bằng việc thực hiện chúng nhiều lần, từ ngày này qua ngày khác. Dù có mệt, dù có nắng mưa mình cũng ráng chạy đến phòng tập cho bằng được, bởi mình biết nếu mình bỏ tập hôm nay có thể ngày mai mình sẽ lại viện cớ bỏ thêm lần nữa.
Thay đổi thói quen có thể làm bạn cảm thấy không thoải mái vì bạn đã thực hiện chúng quá lâu, nhưng những gì bạn đã học vẫn có thể được xoá bỏ và thay thế.
Ở chương 4 tác giả hướng dẫn chi tiết cách để từ bỏ những thói quen tiêu cực hàng ngày. Mình thích nhất 2 cách thức được nêu ở chương này đó là “hãy khiến những thực phẩm lành mạnh nổi bật và dễ tiếp cận” và “làm cho bữa ăn trở nên khác biệt”. Thực tế đây là thói quen mình vẫn luôn áp dụng mỗi ngày trong cuộc sống healthy của mình. Để không còn thói quen ăn vặt những thứ “linh tinh”, từ lâu mình đã không còn mua bánh kẹo, snack, đồ ngọt để trong tủ lạnh, cố gắng để chúng khuất tầm mắt để không bị cám dỗ. Thay vào đó, mình trữ các loại hạt, đậu, trái cây – những thực phẩm lành mạnh xung quanh mình để khi đói mình sẽ tìm đến chúng đầu tiên. Ngoài ra, từ lúc ăn Eat clean mình bắt đầu chăm chút đến thẩm mỹ của món ăn nhiều hơn, học cách bày biện sao cho đẹp mắt để ăn thật ngon miệng. À còn một lý do là chụp thật nhiều bức ảnh cho blog Lily Lai Corner nữa nên các bạn cũng là một phần động lực trong cuộc sống healthy của mình đó <3. Hiện tại khi đã sống tự lập thói quen trang trí món ăn sau khi nấu vẫn còn duy trì ngay cả khi mình chỉ ăn một mình.
Thú thật từ khi mình đọc cuốn “Ăn uống chánh niệm” này, mình bắt đầu để ý đến việc tập trung tâm trí vào bữa ăn hơn. Mình ăn không chỉ để cố dồn hết tất cả thức ăn vào bao tử, không chỉ ăn để sống mà hiện tại “ăn” với mình là thưởng thức món ăn một cách trọn vẹn. Ai đi ăn với mình cũng biết style của mình là ăn chậm rãi và ít khi nói chuyện, nhiều người không hiểu thì họ sẽ cảm thấy “tiểu thư” hay “lạnh lùng” nhưng thực chất là mình đang áp dụng “chánh niệm” vào trong bữa ăn – điều đó tốt cho bao tử cuẩ mình và giúp cơ thể hấp thụ các chất dinh dưỡng tốt hơn. Nên mong người “đi ăn cùng mình” sẽ hiểu những dòng chia sẻ này nhé.
Những chương tiếp theo của cuốn sách sẽ là những nguyên tắc ăn uống chánh niệm và việc giảm cân khoa học. Như đã nói từ đầu, đây không phải cuốn sách chỉ cho bạn cách giảm cân mà giúp bạn hiểu đúng về giảm cân và mối tương quan với thực phẩm. Có thể hiểu đơn giản như vầy: nếu bạn ăn nhiều calo hơn nhu cầu của cơ thể, bạn sẽ tăng cân và ngược lại. Tất nhiên việc cân bằng giữa lượng calo hấp thụ và tiêu hao thực sự cần thiết, nhất là những bạn mới bắt đầu giảm cân nhưng điều đó không có nghĩa là bạn chỉ chăm chăm vào số calories. Việc tính toán calo quá mức cần thiết sẽ làm bạn dễ rơi vào tình trạng ám ảnh cân nặng, coi thực phẩm như kẻ thù. Khi mới áp dụng Eat clean mình cũng đã từng tính toán calo chi tiết, đi ăn ở đâu hay tự nấu ở nhà mình cũng cân đong đồ ăn cẩn thận để “scan” lên app tính calo. Nhưng 1 năm trở lại đây thú thật mình không còn làm việc này thường xuyên nữa vì mình đã có thể tự cân bằng chế độ ăn uống của mình – biết khi nào ăn, biết khi nào dừng lại, biết món ăn nào tốt cho sức khoẻ. Thực tế số calo trên app chỉ giúp bạn tham khảo một cách tương đối chứ không thể chính xác 100%. Vậy nên nếu bạn đã quen và ý thức được việc ăn uống lành mạnh thì bạn có thể không cần phân tích quá tỉ mỉ số calo mà nên tập trung vào dinh dưỡng món ăn và chất lượng của bữa ăn nhiều hơn. Điều này sẽ giúp bạn có mối liên kết tốt với thực phẩm, từ đó cảm thấy việc ăn uống lành mạnh là “thưởng thức” chứ không hẳn nặng nề và nhàm chán – như trước đây bạn từng nghĩ.

@lilylaicorrner
Ngoài ra, hãy “cho phép bản thân ăn những món mình thích một cách tiết chế”, đây là một đoạn đọc ngắn ở chương 5 của cuốn sách nhưng có lẽ là điều quan trọng nhất mình muốn chia sẻ với bạn. Với mình Eat clean hay thói quen ăn uống lành mạnh là một hành trình chứ không phải một chế độ ăn kiêng kham khổ. Vì vậy, bạn có thể áp dụng quy tắc 80/20 để vừa ăn uống healthy vừa ăn những món bạn yêu thích trong chừng mực. Ai cũng có những sở thích ăn uống riêng vì đó là bản năng của con người, nên nếu sở thích bị kiềm hãm quá lâu thì chúng ta sẽ rất dễ nản chí và stress về việc ăn uống và luyện tập của mình. Mình đã áp dụng Cheat meal để cân bằng chế độ ăn uống và duy trì lối sống lành mạnh bền vững hơn. Bạn có thể xem bài viết của mình trên blog về Cheat meal tại đây
Đánh giá chung về cuốn sách
- Điểm cộng:
-
- Cuốn sách như một cuốn cẩm nang về lối sống lành mạnh, nội dung dễ hiểu, nhiều hình ảnh sinh động phù hợp với những bạn mới bắt đầu tìm hiểu về sức khoẻ.
- Sách không chỉ định nghĩa về ăn uống chánh niệm mà còn có những ví dụ cụ thể, cách thực hiện chi tiết và thực tế. Bạn đọc có thể lấy giấy bút ghi chú lại những bài tập trong sách để thực hành và áp dụng.
2. Điểm trừ:
-
- Mặc dù sách có mô tả đầy đủ công thức nấu ăn tốt cho sức khoẻ, tuy nhiên vì đây là sách có nguồn gốc từ phương Tây nên các nguyên liệu trong công thức đối với người Việt mình có phần xa lạ và khó kiếm. Theo mình, bạn có thể lưu lại công thức những món ăn đơn giản và tìm loại nguyên liệu tương đương có sẵn ở Việt Nam để thay thế.
- Tựa đề cuốn sách có ghi “phương pháp ăn uống của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh” nhưng trong sách không có nội dung nào nhắc đến Thầy. Có thể đây là dụng ý của nhà xuất bản muốn tạo sự tò mò cho người đọc chăng?
Hy vọng mọi người sẽ thích bài review cuốn sách này. Đây là một trong những cuốn sách về sức khoẻ đầu tiên mà mình đọc và review trên blog nên mình dành rất nhiều tâm huyết khi viết bài này, với hy vọng bạn đọc sẽ có thêm gợi ý áp dụng thói quen sống lành mạnh một cách bền vững. Đừng quên chia sẻ với mình hành trình sống khoẻ của bạn nhé.
Bạn có thể mua sách tại đây: Ăn uống chánh niệm
Love,
Lily.