Khi có ai đó nói với Lily rằng “Chị ơi em đã giảm cân rồi nè!” “Em ơi chị giảm được 3kg luôn đó”, thành thật mà nói Lily có chút do dự để thốt ra lời chúc mừng hay khen ngợi các chị em. Khoan đã tới đây chắc bạn sẽ nghĩ Lily ghen tị về “thành quả” của bạn đúng không? Thật ra không phải đâu! Sau nhiều lần có cơ hội lắng nghe chia sẻ từ bạn bè, các followers của mình thì Lily nhận ra một điều rằng đa số mọi người quá tập trung vào việc giảm cân (thậm chí giảm cân một cách tiêu cực) nhưng lại không hiểu rõ cách nó hoạt động thế nào. Đến nỗi có nhiều bạn chán nản than thở “Sao sáng cân nặng thế này, mới ăn xíu mà buổi chiều lại tăng cân rồi. Thở thôi cũng lên cân nữa.” 🙂
Vì vậy Lily muốn viết bài này để chia sẻ với mọi người sự khác nhau về GIẢM CÂN và GIẢM MỠ. Đây không phải là một chủ đề mới nhưng Lily muốn tổng hợp lại từ các nguồn thông tin sức khoẻ uy tín mà Lily đã đọc và chia sẻ cả trải nghiệm của mình. Hy vọng bài viết không chỉ “gợi nhắc” mà còn là cho những ai chưa biết về giảm cân và giảm mỡ, để giúp các bạn có cái nhìn đúng hơn về sức khoẻ của mình.
Đầu tiên, Lily muốn nhấn mạnh rằng không có gì sai khi bạn mong muốn giảm cân cả, ai trong chúng ta cũng có nhu cầu làm đẹp ngoại hình của mình. Tuy nhiên, nếu chỉ tập trung vào việc giảm cân hay cụ thể là số kilogram thể hiện trên chiếc cân thì chưa chắc bạn đã có thân hình đẹp như mong muốn.
Cơ chế giảm cân
Trước hết, bạn cần hiểu cơ chế của việc giảm cân là việc mất đi khối lượng trên cơ thể bạn. Đó có thể là mất mỡ, mất nước, mất cơ bắp, mất chất dinh dưỡng và còn nhiều thứ khác… Vì vậy, chiếc cân thông thường khó có thể cho bạn biết rằng bạn thực sự đang mất cái gì. Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến cân nặng của mỗi người: kích cơ xương, hàm lượng nước, chất thải trong đường ruột, sự dao động nội tiết tố hay chỉ cần bệnh vài ngày thì cân nặng cũng thay đổi (thật tá hoả khi một số người nói với Lily họ còn muốn bệnh để được giảm cân. Trời!). Liệu đó có phải là cách giảm cân mà bạn thực sự mong muốn không?
Nếu bạn chỉ muốn giảm cân nặng thì cách đơn giản nhất là nhịn ăn là bạn có thể giảm số kí rồi. Ngoài ra, cũng không ít trường hợp giảm cân tiêu cực như dùng thuốc giảm cân, trà giảm cân, thuốc tan mỡ để giảm nhanh hơn. Thuốc giảm cân hoạt động bằng cách ép nước ra khỏi cơ thể để cân nặng giảm đi mà không cần tập luyện. Ngoài ra, trong thuốc giảm cân có chứa chất kích thích như caffeine, chất hoá học có hại khác làm tăng nhịp tim rất nhanh, tạo cảm giác bồi hồi, lo lắng, mất ngủ… và cứ thế bạn sẽ giảm cân một cách nhanh chóng, nhưng sẽ tăng cân trở lại nếu bạn bỏ dùng thuốc. Những thông tin này chắc chắn bạn đã từng nghe rất nhiều lần trên báo đài nhưng lý trí vẫn không thể cản nổi cảm xúc khi quá ám ảnh về cân nặng của mình.
Tập trung giảm mỡ thay vì giảm cân
Vậy điều mà bạn cần làm là đừng nghĩ về con số trên bàn cân nữa, hãy nghĩ về tỉ lệ mỡ trong cơ thể và tập trung giảm nó mới là điều quan trọng. Bạn có thể đo tỉ lệ mỡ cơ thể bằng thước đo hoặc máy Inbody thường có trong phòng gym để theo dõi phần trăm mỡ. Giảm mỡ giúp bạn có ngoại hình săn chắc, có cơ và người không bị lỏng lẻo. “Tin buồn” là quá trình giảm mỡ cần có thời gian dài, ít nhất từ 1-2 tháng mới có kết quả nên bạn cần có sự kiên trì với nó. Tuy vậy nhưng một khi bạn đã giảm mỡ được rồi thì khả năng tăng cân “vèo vèo” trở lại là rất ít.
Việc giảm mỡ còn “tốn” khá nhiều mồ hôi công sức của bạn nữa. Bạn nên lập ra cho bản thân một chế độ ăn uống lành mạnh mà ở đây Lily muốn nhắc đến là Eat clean. Bạn có thể tham khảo rất nhiều bài viết về Eat clean mà Lily đã chia sẻ trên blog. Hơn nữa, ngoài việc ăn uống bạn cần tập luyện thể dục thường xuyên để có một body hoàn hảo. Phương pháp tập mà Lily áp dụng là kết hợp giữa bài tập HIIT (bài tập cardio cường độ cao) để giảm mỡ và tập tạ (Free weight) để xây dựng cơ bắp. Lily còn tập những bài tập Group X như Body Pump, một bộ môn kết hợp tạ và âm nhạc rất phù hợp cho các bạn nữ muốn có cơ thể săn chắc. Ngoài ra, duy trì một khối lượng cơ nhất định giúp bạn đốt nhiều calo hơn, kể cả khi nghỉ ngơi.

Sự khác nhau giữa giảm cân và giảm mỡ
Đừng quá ngạc nhiên khi tỉ lệ mỡ cơ thể bạn đã giảm nhưng số cân nặng vẫn giữ nguyên hoặc chỉ giảm chút ít. Như Lily đã nói ở trên, giảm mỡ khác với giảm cân ở chỗ nó không phụ thuộc hoàn toàn vào con số thể hiện trên cân bởi cân nặng của bạn được tạo nên bởi rất nhiều yếu tố. Chẳng hạn như Lily bây giờ tỉ lệ mỡ đã giảm so với trước đây nhưng cân nặng chỉ giảm 1-2kg thôi vì khối lượng cơ của mình đã tăng lên nhờ vào quá trình ăn uống và tập luyện đúng cách. Vì vậy, nhìn trên chiếc cân tưởng chừng không thay đổi gì mấy nhưng khi nhìn mình trong gương hoặc khi mặc đồ thì Lily thấy mình gọn và săn chắc hơn rất nhiều.

Nguồn: Unsplash
Giảm cân và giảm mỡ tưởng chừng là một nhưng lại khác nhau rất nhiều, cả về thời gian, cách thức và cả ảnh hưởng đối với cơ thể. Vậy nên, đừng quá đặt nặng vào con số trên bàn cân vì nó chỉ khiến bạn thêm stress, chán nản và mất động lực hơn thôi. Thay vào đó, hãy chú trọng vào việc giảm mỡ tăng cơ bằng cách tập luyện và chế độ ăn uống phù hợp, chắc chắn bạn sẽ sớm đạt được mục tiêu của mình – một cách an toàn và bền bỉ. Cố lên nhé!
Love,
Lily.
Nguồn thông tin uy tín Lily tham khảo:
- Giảm cân và giảm mỡ – Có gì khác biệt? (My Protein)
- Sự khác nhau giữa giảm cân và giảm mỡ (Healthline)