7 cách tự tạo động lực tập luyện mà mình đã áp dụng

by lilylai

Không có động lực tập luyện hay chỉ “hăng hái” đi tập một thời gian rồi lại buông xuôi. Thật ra vấn đề này không mới, nhưng cũng chưa bao giờ cũ bởi ở ngoài kia có rất nhiều người đang cần một nguồn động lực nào đó để thúc đẩy họ tập thể dục thường xuyên. Bản thân Lily cũng đã từng “loay hoay” để có thể đưa mình vào “cái guồng” tập luyện đều đặn. Đến bây giờ, tập luyện là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của Lily. Vậy nên, trong bài viết này Lily chia sẻ cho mọi người một số cách mà Lily tự tạo động lực cho mình khi mới bắt đầu tập luyện nhé.

1. Xác định mục tiêu

Hãy nghĩ về lý do bạn muốn tập luyện và xác định mục tiêu. Đừng đi tập với tâm trạng là “phải đi tập” mà không biết mình muốn gì, không biết kết quả đi đến đâu vì như vậy sẽ khiến bạn bỏ cuộc rất sớm. Tuy nhiên, việc đặt mục tiêu phù hợp với bản thân lại càng quan trọng hơn. Lily thấy một số người mới đi tập nhưng lại đặt mục tiêu khá xa vời như giảm 10kg chỉ sau 1 tháng… Điều này khó khả thi và khi không đạt được mục tiêu bạn sẽ rất dễ chán nản. Bạn cần xác định rằng tập luyện là một hành trình dài, không chỉ tập vài ngày, vài tuần là thấy kết quả ngay được. Tốt nhất, bạn nên có mục tiêu dài hạn và ngắn hạn cho mình. Ví dụ: mục tiêu dài hạn là giảm 10kg, còn mục tiêu ngắn hạn là mỗi tháng giảm 1kg. Khi làm được những mục tiêu nhỏ này, bạn sẽ có thêm sự tự tin và động lực để duy trì việc tập luyện của mình.

2. Lên kế hoạch

Sau khi có được mục tiêu cho mình, bạn cần lên một kế hoạch chi tiết để thực hiện nó. Chẳng hạn như lên lịch tập cho cả tuần, ngày nào mình sẽ tập bài gì, tham khảo trước cách tập trên mạng… Lily đã từng rơi vào cảm giác bơ vơ lạc lõng ở phòng gym khi không biết mình sẽ tập gì, rồi chỉ biết leo lên máy chạy bộ chạy vài vòng rồi về. Thế là sau vài bữa tập chán nản rồi bỏ cuộc. Vì vậy, bạn nên có sự chuẩn bị và tìm hiểu trước khi đến phòng tập nhé.

3. Bắt đầu với việc dễ và nhỏ

Khi mới đi tập, đa số chúng ta thường đặt ra những thử thách tăng cường độ tập luyện để nhanh có được kết quả mong muốn. Điều này có lẽ bắt nguồn từ câu nói truyền động lực khá phổ biến trong giới tập gym “No pain no gain”. Lily đã từng thấy có bạn mới đi tập ngày đầu đã gánh tạ 5-10kg, tập “hùng hục” nhưng vài ngày sau đó lại chẳng thấy ở phòng tập nữa. Việc tập quá cường độ khi mới tập luyện khiến cơ thể chưa kịp thích nghi, dẫn đến tình trạng mệt mỏi quá sức, khiến những người mới thấy sợ việc đi tập, sau đó nản lòng mà bỏ cuộc. Chưa kể nếu tập nặng mà không đúng kĩ thuật rất dễ gây chấn thương nữa. Vậy nên, đừng quá khó khăn với chình mình. Thử bắt đầu với việc đơn giản nhất như tập mức tạ nhẹ với 30 phút mỗi ngày. Sau đó tăng dần mức độ lên, bạn sẽ thấy cơ thể mình thay đổi và thích nghi, từ đó tạo động lực chinh phục những mục tiêu lớn hơn.

4. Tìm người đồng hành

Cách này khá hữu hiệu với đa số mọi người. Họ cảm thấy có động lực đi tập hơn khi có bạn bè cùng tập chung. Tập luyện với bạn bè giúp cho buổi tập thú vị và tạo mối quan hệ gắn kết, nhưng cũng đừng vì vậy mà quá phụ thuộc nhen. Không thể ngày nào bạn mình đi tập mình mới đi tập, bạn bè không tập mình cũng bỏ luôn. Với trải nghiệm của Lily thì người đồng hành với mình từ những ngày đầu tập luyện là huấn luyện viên (HLV) cá nhân. Thời đó còn là sinh viên đi làm thêm kiếm tiền nhưng Lily vẫn quyết định dành dụm tiết kiệm của mình để đầu tư cho bản thân. Việc tự tạo ra “áp lực” về tài chính đã phần nào thúc đẩy động lực tập luyện của Lily nhiều hơn. Không những vậy, khi có kiến thức nền tảng về tập luyện, cách sử dụng máy trong phòng tập và chế độ ăn uống thì bản thân mình cảm thấy tự tin hơn và có thể tự tập sau này.

5. Ghi lại hành trình tập luyện

Là một “newbies”, bạn nên ghi lại quá trình tập luyện của mình, có thể là cuốn sổ nhật ký hay các ứng dụng online. Bạn có thể tham khảo App MyFitnessPal (Lily đã từng sử dụng) để ghi lại các bữa ăn và quá trình tập luyện của mình. Việc theo dõi tập gì hôm nay, ăn những thức ăn gì, bao nhiêu calories… giúp bạn đo đếm tiến trình tập luyện và nhận thấy sự tiến bộ của bản thân. Ngoài ra, viết blog cũng là cách Lily “giữ lửa” cho mình (kiểu viết chia sẻ rồi thì phải thực hiện để giữ lời hứa vậy đó =))

6. Đổi mới liên tục

Việc tập đi tập lại một bài tập sẽ khiến chúng ta dễ nhàm chán. Không nhất thiết phải đến ngày đó bạn phải tập mông, tập lưng, tập bụng… Hãy thường xuyên thay đổi các bài tập trong tuần. Ví dụ có ngày bạn tập gym, có ngày bạn tập yoga hoặc có hôm tập những môn thể thao ngoài trời như bơi lội, chạy bộ… Còn với Lily, Lily đăng ký ở trung tâm tập luyện có nhiều bộ môn khác nhau để mình có thể tập đa dạng các lớp. Lily thường tập 2 buổi free weight với tạ, 2 buổi tập lớp Group X với Body Pump và Body Balance, còn lại thì tập Yoga. Việc tập xen kẽ các bài tập không chỉ giúp việc tập luyện thú vị mà còn giúp các nhóm cơ linh hoạt hơn.

Tập yoga xen kẽ các buổi tập gym

Tập lớp Group X lúc nào cũng tràn đầy năng lượng

 

7. Quan tâm về chế độ dinh dưỡng bên cạnh việc tập luyện

Những người mới bắt đầu thường có rất nhiều động lực tập luyện nhưng lại ít chú ý đến về chế độ ăn uống của mình. Họ thường nghĩ rằng chỉ cần tập luyện tốt thì sẽ đạt được kết quả. Thế nhưng một cơ thể khoẻ mạnh, một vóc dáng cân đối luôn song hành giữa việc tập luyện và dinh dưỡng hợp lý. Nếu ăn uống thiếu chất, bạn sẽ dễ mất sức khi tập. Ngược lại, nếu đi tập mà vẫn ăn uống thả ga thì việc tập luyện cũng trở thành vô nghĩa. Chúng ta khó có thể mong đợi vừa giảm cân lại vừa có thể uống trà sữa mỗi ngày một cách thoải mái. Vì vậy, hãy sắp xếp cho mình một chế độ ăn uống lành mạnh, lựa chọn nguyên liệu, thực phẩm kĩ càng. Chế độ dinh dưỡng đúng khi có đầy đủ chất, cung cấp tinh bột, chất béo tốt và cả protein cần thiết cho quá trình tập luyện. Bạn có thể tham khảo bài viết trên blog Mình ăn gì trong một ngày – Eat clean.

Bài viết này là những chia sẻ rất cá nhân mà Lily đã áp dụng để tự tạo động lực cho mình trong những ngày đầu mới tập luyện. Hy vọng bạn sẽ tìm thấy một điều tham khảo nào đó và bắt đầu hành trình chăm sóc sức khoẻ của mình.

Stay healthy & happy,

Lily.

You may also like

Leave a Comment